Tham vấn ý kiến cử tri và Nhân dân trong hoạt động của HĐND

Bài cuối: Gỡ “nút thắt” từ quy định rõ ràng, cụ thể

- Chủ Nhật, 02/10/2022, 06:15 - Chia sẻ

Từng diễn ra khá sôi nổi ở HĐND cả 3 cấp, nhất là cấp tỉnh, những năm gần đây, việc tổ chức các Hội nghị tham vấn đối với một chính sách cụ thể HĐND chuẩn bị xem xét, hoặc “ba mặt một lời” về một vấn đề cử tri còn nhiều ý kiến trái chiều hầu như rất ít được thực hiện. Thiếu quy định rõ ràng, cụ thể về tham vấn ý kiến nhân dân đang là “nút thắt” khiến nhiều địa phương “ngại” tổ chức hoạt động thiết thực này. Nếu không được luật hóa, hoạt động tham vấn sẽ mang tính ngẫu hứng, kết quả ít được để ý.

Tham vấn ý kiến nhân dân thực ra là hoạt động rất quen thuộc. Từ những nhiệm kỳ của những năm cuối thập niên 90, hoạt động này đã được HĐND nhiều địa phương thực hiện và “nở rộ” vào nhiệm kỳ 2004 -2011. Sự tham gia của Nhân dân vào những việc quốc gia đại sự được thực hiện dưới nhiều hình thức như tiếp xúc cử tri; hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật...

Đại biểu phát biểu tại một hội nghị tham vấn ý kiến Nhân dân của Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2021 - 2026 bằng hình thức trực tiếp tại cấp tỉnh và trực tuyến đến cấp huyện
Đại biểu phát biểu tại một hội nghị tham vấn ý kiến Nhân dân của Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2021 - 2026 bằng hình thức trực tiếp tại cấp tỉnh và trực tuyến đến cấp huyện

Tuy nhiên, trong các Luật điều chỉnh hoạt động của HĐND chưa có một quy định cụ thể hơn về trình tự, cách thức tham vấn như thế nào; trong trường hợp nào thì tổ chức tham vấn, TXCT, hội thảo, tọa đàm… và tham vấn ý kiến có liên quan gì tới nhau; những hình thức đó có được xem như là biểu hiện của tham vấn không thì cũng không có một quy định nào khẳng định rõ. Chỉ là theo cách hiểu và suy luận về khái niệm mà quy về hoạt động mang bản chất tham vấn ý kiến cử tri. Thiếu quy định rõ ràng, cụ thể về tham vấn ý kiến nhân dân đang là “nút thắt” khiến nhiều địa phương “ngại” tổ chức hoạt động này.

Rất khó áp dụng do… thiếu quy định rõ ràng

Nhiệm kỳ 2004 - 2011, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện rất hiệu quả việc tổ chức điều trần, lấy ý kiến để HĐND tỉnh làm căn cứ quyết định các quyết sách tại kỳ họp, như cuộc điều trần về việc thành lập thêm Trường PTTH Cù Huy Cận tại huyện Vũ Quang. Năm 2009, Thường trực HĐND tỉnh quyết định tổ chức điều trần để làm rõ vấn đề, thu thập thêm thông tin, làm cơ sở cho HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Tại phiên điều trần, đã làm sáng tỏ những nội dung còn các ý kiến khác nhau. Biên bản cuộc điều trần được gửi tới các cơ quan chức năng, các đại biểu HĐND tỉnh và nhận được sự đồng tình cao nên HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết thành lập Trường PTTH Cù Huy Cận. Điều trần cũng được HĐND tỉnh Hà Tĩnh vận dụng vào việc làm rõ các vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách.

Thế nhưng từ giai đoạn đó đến nay, hoạt động điều trần không còn được tổ chức nữa. Nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh cho biết: Các hoạt động điều trần hay giải trình qua thực tiễn áp dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong việc tham vấn được ý kiến để HĐND quyết định trúng. Muốn chính sách có tính khả thi thì chính sách phải bắt nguồn từ cuộc sống. Mà muốn chính sách sát hợp với thực tiễn thì đại biểu dân cử nên đi hỏi cử tri. Hỏi chính là tham vấn. Trong hoạt động của HĐND, ngoài tham vấn qua TXCT, hội thảo, hội nghị lấy ý kiến, hình thức tham vấn hấp dẫn, thu hút và hiệu quả là giải trình và điều trần, nhất là đối với những vấn đề dư luận quan tâm, những quyết sách còn những luồng ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 không quy định về hoạt động điều trần, còn hoạt động giải trình được quy định và trao thẩm quyền cho chủ thể là Thường trực HĐND. Trong khi hoạt động của HĐND giữa hai kỳ họp không chỉ có một cơ quan là Thường trực HĐND mà còn có các Ban của HĐND. Phần lớn các nhiệm vụ theo chuyên đề của Thường trực HĐND do các Ban của HĐND đề nghị, trực tiếp “chắp bút”. Thế nên, khi Luật hạn chế về chủ thể của hoạt động giải trình cũng khiến cho các Ban khó chủ động trong việc linh động, đổi mới các hình thức hoạt động.

Sẽ là ngẫu hứng nếu không được luật hóa

Một trong những dấu ấn đổi mới nổi bật trong hoạt động của HĐND các cấp, nhất là HĐND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021 là hoạt động tham vấn ý kiến của các cấp, ngành hữu quan, giới chuyên môn và Nhân dân để xây dựng các dự thảo nghị quyết trước khi trình tại các kỳ họp.

Nhấn mạnh hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân giúp HĐND tiếp cận nhiều nguồn thông tin để phân tích, đánh giá tác động của nghị quyết trên thực tế, giúp cho việc ban hành chính sách hiệu quả, khả thi, phù hợp với thực tế, là tiền đề, cơ sở và cũng chính là động lực để các nghị quyết, chính sách đi vào cuộc sống đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang Chúng Thị Chiên khẳng định: Nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh phấn đấu 100% nghị quyết ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh được HĐND tham vấn nhân dân, thông qua các hình thức tổ chức hội nghị tham vấn, lấy ý kiến phản biện của các tổ chức chính trị xã hội, MTTQ, Liên hiệp các hội KHKT của tỉnh, thông qua chuyên mục trên trang đại biểu nhân dân tỉnh. Mới đây nhất, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tham vấn nhân dân về sửa đổi Nghị quyết số 40/2020-HĐND ngày 9.12.2020 của HĐND tỉnh bằng hình thức trực tiếp tại cấp tỉnh và trực tuyến đến cấp huyện, xã.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về hình thức, trình tự thực hiện một cuộc tham vấn của HĐND, dẫn đến mỗi tỉnh một cách làm khác nhau và rất khó áp dụng trong thực tiễn. Để thống nhất trong tổ chức thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên xem xét hướng dẫn HĐND các cấp thực hiện nội dung này - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang Chúng Thị Chiên kiến nghị.

Tuy mức độ không phổ biến nhưng đối với HĐND tỉnh Lào Cai, khi thẩm tra các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp rất chú trọng tham vấn ý kiến nhân dân. Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Ngô Quyền chia sẻ: Vướng mắc nhất là chính sách góp vốn, tích tụ đất đai, chính sách giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Thông qua ý kiến người dân và doanh nghiệp, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã nhận được nhiều phản hồi, đóng góp hữu ích. Tuy nhiên, nếu không được luật hóa, hoạt động tham vấn sẽ mang tính ngẫu hứng, thậm chí kết quả ít được để ý. Vì vậy, nên thể chế hóa hoạt động này vào luật để tạo điều kiện bắt buộc thực hiện, hạn chế được việc quyền lợi người dân bị xâm phạm, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

BÌNH NGUYÊN – PHƯƠNG NGUYÊN